|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Quang Thịnh là xã nằm ở phía Bắc của huyện Lạng Giang; xã cách trung tâm huyện Lạng Giang (thị trấn Vôi) 9 km, cách trung tâm tỉnh Bắc Giang 23 km.

Phía Bắc giáp xã Hương Sơn;

Phía Tây giáp xã Nghĩa Hòa;

Phía nam giáp Thị trấn Kép;

Phía bắc giáp các xã Đông Sơn (huyện Yên Thế), xã Minh Sơn (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn);

Từ xa xưa, mảnh đất Quang Thịnh đã thu hút người dân ở nhiều nơi đến khai hoang, lập ấp, lập trại, lập làng. Qua quá tình phát triển dân cư ngày càng đông, luôn đoàn kết bên nhau chống lại thiên tai, địch họa, chung lưng đấu cật, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Theo sách địa chí Hà Bắc, xã Quang Thịnh nằm trong tổng Thịnh liệt, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, lộ Bắc Giang. Đơn vị hành chính này được thành lập từ thời Trần, đầu thế kỷ XIII. Tổng Thịnh Liệt bao gồm các xã: xã Thịnh Liệt có 5 xóm: Đông Giáp, Phúc Lãm và Thanh Động (nay thuộc thị trấn Kép) và hai xóm Quang Hiển, Thanh Lương (nay thuộc xã Quang Thịnh). Xã Vĩ Liệt có bốn xóm: Cầu, Dĩnh, Giâm, Mỗ (thuộc toàn bộ địa bàn Tân Lạc, nay đã tách thành sáu thôn là: Núi Thượng, Phan Thượng, An Lạc, Tân Mỹ, Đồi Bụt, Tân Thịnh xã Quang Thịnh). Xã Mỹ Hòa và Nghĩa Liệt nay đều thuộc địa bàn xã Nghĩa Hòa, xã Bình An và xã Liệt Hạ nay đều thuộc địa bàn xã An Hà. Xã Yên Thịnh nay thuộc địa bàn thị trấn Kép.

          Quang Thịnh có hệ thống sông ngòi thủy lợi phong phú. Dòng sông Nhật Đức (tức sông Thương) bắt nguồn từ núi Cai Kinh (thuộc địa phận Sông Hóa), chảy qua Phú Lợi xã Hương Sơn Lạng Giang, tại đây năm 1902 đến 1908 chính quyền Pháp xây một kè tràn lớn (Đập nước Kè Sơn) chắn qua sông Thương (nằm trong hệ thống thủy nông lớn do chính quyền Pháp xây dựng), sông Thương chảy theo ven đường ranh giới phía Bắc Quang Thịnh khoảng 7 km. Nước phía trên kè, bên tả ngạn sông Thương chảy qua những hồ, đầm rồi vào đất Quang Thịnh qua thôn Cầu Đen xuống Ngọc Sơn, Quang Hiển. Tại vùng đất đầu thôn Quang Hiển, chính quyền Pháp cho xây một Kè tràn xả nước thừa theo con ngòi lửa chảy ra sông Thương.

          Xuôi theo dòng chảy, năm 1906, chính quyền Pháp có xây một cống 5 cửa để chủ động điều tiết nước về xuôi, từ đây, hệ thống thủy nông là dòng kênh Giữa chuyển nước từ đập Kè Sơn về cho 7.500 ha ruộng đất canh tác của các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, thị xã Bắc Giang.

          Tại khu vực cống 5 cửa, năm 1971, địa phương xây thêm một hệ thống cống một cửa, là điểm khởi đầu cho hệ thống kênh Tây chảy qua đất thôn Phan Thượng, Núi Thượng, An Lạc ... rồi sang Xã Nghĩa Hòa, An Hà, Nghĩa Hưng, Đào Mỹ, Mỹ Hà, Tiên Lục...cung cấp nước cho cả một vùng rộng lớn của các xã phía tây huyện Lạng Giang.

          Quang Thịnh còn là vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, vị trí bản lề ở phía bắc của huyện. Sư đoàn sao vàng đặt trụ sở chỉ huy trên địa bàn. Nơi đây còn là vùng giáp ranh giữa 3 huyện: Yên Thế (Bắc Giang), Hữu Lũng (Lạng Sơn). Quang Thịnh còn nằm trên đầu mối giao thông quan trọng. Đường thủy xuôi sông Thương đến thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế; ngược sông Thương về phía đông đến đập kè Sơn. Đường bộ có 2,7 km quốc lộ 1A chạy dọc hướng Bắc nam và có Cầu Lường bắc qua sông Thương nối liền 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.

Trong thời kỳ tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Quang Thịnh đã có những người con ưu tú sớm đi theo Cách mạng và sau đó đã trở thành Đảng viên. Từ một tổ Đảng, đến năm 1953 Quang Thịnh đã có 01 chi bộ và tháng 01 năm 1962 phát triển lên thành 01 Đảng bộ.

Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 xã Quang Thịnh nằm trong liên xã Thịnh Liệt thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp các thôn Cầu Đá, Cầu Đen được hình thành do bà con nơi khác chạy loạn tới đây tụ cư, lập nghiệp.

          Ngày 25/11/1953, Đảng bộ Lạng Giang họp hội nghị mừng công kết thúc giảm tô đợt 2 và chuẩn bị cải cách ruộng đất tại Đình Quang Hiển; tại hội nghị này, liên xã Thịnh Liệt chia thành 4 xã nhỏ: là Quang Thịnh, An Hà, Nghĩa Hòa, Tân Thịnh (Phố Kép thuộc Tân Thịnh - Nay sáp nhập Tân Thịnh và Kép thành thị trấn Kép). Xã Quang Thịnh có địa giới hành chính như hiện nay.

          Sau khi tách xã, Quang Thịnh có 11 xóm gồm: Quang Hiển, Thanh Lương, Cầu Đá, Cầu Đen, Ngọc Sơn, Phan Thượng, Tân Long, An Lạc, Tân Mỹ, Đồng Mo, Cống Hiển.

          Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Hà Bắc về công tác kiện toàn Trưởng thôn, các thôn của xã Quang Thịnh tiến hành bầu ra chức danh Trưởng thôn, xã Quang Thịnh gồm 6 thôn gồm: Thanh Lương, Cầu Đá, Cầu Đen, Ngọc Sơn, Quang Hiển, Tân Lạc.

          Ngày 28/6/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 1138/QĐ-CT về việc chia tách, thành lập các thôn mới, theo Quyết định này, thôn Tân Lạc xã Quang Thịnh được tách ra thành 6 thôn loại 3 và 6 chi bộ tương ứng địa bàn thôn mới gồm: Núi Thượng, Phan Thượng, An Lạc, Tân Mỹ, Đồi Bụt, Tân Thịnh.

          Đến tháng 10/2007, UBND thị trấn Nông trường cam Lạng Giang giải thể, Đội Tân Thịnh Nông Trường cam Bố Hạ, sáp nhập vào xã Quang Thịnh lấy tên thôn Tân Thịnh đổi thành thônTrường Thịnh. Đội Bến Lường, nông trường cam Bố Hạ Sáp nhập vào xã Quang Thịnh lấy tên Thôn Bến Lường.

          Như vậy đến nay Quang Thịnh có 13 thôn gồm: Thanh Lương, Cầu Đá, Cầu Đen, Ngọc Sơn, Bến Lường, Quang Hiển, Núi Thượng, Phan Thượng, An Lạc, Tân Mỹ, Đồi Bụt, Tân Thịnh, Trường Thịnh.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,299
Tổng số trong ngày: 20
Tổng số trong tuần: 120
Tổng số trong tháng: 450
Tổng số trong năm: 3,390
Tổng số truy cập: 13,389